Spelling là dạng bài thường xuất hiện trong Part 1 của đề thi IELTS Listening. Mặc dù không phải dạng bài khó nhưng nếu không nắm được cách làm dạng câu hỏi này cũng khiến nhiều thí sinh mất điểm. Vậy làm sao để ăn trọn điểm dạng câu hỏi Spelling? Cùng Hocielts24h tìm hiểu về cách làm Spelling trong IELTS Listening để chinh phục band điểm cao nhé!
I. Tổng quan về dạng bài Spelling IELTS Listening
Trước khi tìm hiểu chi tiết về cách làm dạng bài Spelling trong IELTS Listening bạn cần nắm được cấu trúc tổng quát của dạng bài này.
Trong Part 1 của cấu trúc đề thi IELTS Listening, thí sinh có thể gặp một số câu hỏi yêu cầu nghe và nhập các thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, mã bưu điện,… Vì các thông tin này được viết dưới dạng tên riêng, chữ cái hoặc số hoặc nên nó được nhắc đến bằng cách đánh vần (Spelling).
Các loại thông tin có thể sẽ được đánh vần trong bài thi IELTS Listening Part 1 đó là:
- Name – Họ, tên
- Address – Địa chỉ (số nhà, tên đường, thành phố, khu vực sinh sống)
- Phone number – Số điện thoại
- Age – Độ tuổi
- Price – Giá cả
- Credit card – Số thẻ tín dụng
- Postcode – Mã bưu điện
- Others – Một số loại tên riêng khác (tên công ty, tên email,…)
Trong bài nghe người nói sẽ thường đọc tên riêng trước và sau đó đánh vần từng chữ cái trong tên riêng đó. Thông thường, đáp án chỉ được đánh vần một lần duy nhất vì vậy dạng bài nghe Spelling đòi hỏi thí sinh phải nghe và viết gần như cùng một lúc. Thí sinh cần tập trung cao độ để có thể vừa nghe vừa viết một cách nhanh và chính xác, không bỏ lỡ chữ cái nào.
II. Cách làm Spelling trong IELTS Listening
1. Bước 1: Đọc đề và dự đoán thông tin cần điền
Ở dạng bài Spelling IELTS Listening người nghe cần đưa ra dự đoán trước xem các thông tin cần điền trong bài thuộc loại thông tin gì, từ đó hình dung trước nội dung mình sắp phải điền, chẳng hạn:
- Họ tên và địa danh: đây sẽ thường là các tên riêng và không theo quy tắc.
- Địa chỉ: có thể là số nhà, tên đường. Với dạng thông tin này người viết cần lưu ý xem đã có từ “road”, “street trong đề hay chưa để không điền thừa hay thiếu thông tin.
- Mã bưu điện: sẽ bao gồm cả chữ cái và số
- Email: có cấu trúc tương tự email bình thường và có thể bao gồm cả chữ cái và số.
2. Bước 2: Xác định từ khóa trong đề bài
Tiếp theo bạn cần xác định từ khóa trong đề thi là gì. Việc xác định từ khóa sẽ giúp bạn khoanh vùng thông tin đáp án rõ ràng hơn, khi nghe bạn sẽ tập trung và chủ động hơn.
Bạn nên phân loại từ khóa theo dạng:
- Tên riêng, số, thuật ngữ
- Danh từ, động từ, tính từ, trạng từ
3. Bước 3: Nghe và điền đáp án
Ở bước nghe này bạn cần thật sự tập trung để có thể vừa nghe vừa viết lại từng chữ cái được đánh vần một cách chính xác.
Trong quá trình nghe thí sinh cần chú ý để nghe được từ khóa hoặc cách diễn đạt đồng nghĩa của từ khóa để biết được thời điểm đáp án sắp được nhắc đến trong bài. Một đặc điểm của dạng bài này đó là chỉ cần nghe sai một chữ cái thì đáp án của bạn sẽ không được tính điểm. Do vậy thí sinh cần thực sự thành thạo kỹ năng nghe và đọc bảng chữ cái tiếng Anh.
Ngoài ra những tên riêng của người hay địa danh được nhắc đến trong bài không tuân theo một quy tắc nào, ngay cả người bản ngữ cũng sẽ không thể viết lại chính xác của một từ mới gặp nếu chỉ nghe âm thanh. Vì vậy để nghe tốt thì ngoài việc nắm chắc bảng chữ cái tiếng Anh thì bạn cần luyện nghe thật nhiều nữa nhé.
Tham khảo: Các dạng bài IELTS Listening thường gặp và cách làm
III. Lỗi thường gặp trong dạng bài Spelling và cách khắc phục
Dạng bài Spelling IELTS Listening là dạng bài giúp thí sinh kiếm điểm nhất nhưng cũng sẽ dễ mất điểm nếu không có phương pháp làm bài phù hợp. Một số lỗi phổ biến mà thí sinh thường gặp như không phân biệt được các cặp âm, quên nhấn trọng âm hay không theo kịp bài đọc.
Dưới đây Hocielts24h sẽ chỉ ra những lỗi thường gặp trong Spelling IELTS Listening và cách để khắc phục những lỗi sai này. Theo dõi để tránh gặp phải những lỗi sai tương tự nhé!
1. Không phân biệt được các âm tương đồng
Đây là lỗi sai mà nhiều thí sinh hay mắc phải khi không phân biệt được các âm gần tương đồng của chữ cái và chữ số. Một số chữ cái và số có cách phát âm gần giống nhau khiến nhiều thí sinh nhầm lẫn:
A /eɪ/ | H /eɪtʃ/ |
B /bi/ | P /piː/ |
D /di/ | T /ti/ |
F /ef/ | S /es/ |
M /em/ | N /en/ |
R /ɑr/ | A /eɪ/ |
S /es/ | X /eks/ |
G /dʒiː/ | J /dʒeɪ/ |
8 /eɪt/ | H /eɪtʃ/ |
8 /eɪt/ | A /eɪ/ |
Cách khắc phục: Nguyên nhân của lỗi sai này nằm ở phát âm vì vậy bạn cần luyện phát âm.
Bạn nên bắt đầu từ học bảng phiên âm IPA, học phát âm chính xác từng nguyên âm, phụ âm giúp bạn cải thiện kỹ năng nghe đáng kể đặc biệt đối với dạng bài Spelling này.
Trong quá trình luyện tập bạn cần tìm ra điểm khác biệt giữa các cặp âm tương đồng nhau. Sau đó luyện thói quen phát âm rành mạch các âm này, nhấn mạnh điểm khác biệt khi đọc các từ có chứa chữ cái đó để khi nghe nhận biết được đây là 2 âm khác nhau.
Ngoài ra bạn cũng cần chú ý đến âm cuối (ending sounds) của các từ. Nó sẽ giúp bạn hạn chế được các lỗi sai về số và chữ cái có âm gần giống nhau. Mình sẽ lấy ví dụ để bạn hình dung rõ hơn.
Như với các cặp chữ và số A-H-8, âm cuối sẽ là sự khác biệt quan trọng để bạn phân biệt các cặp này, cụ thể: A /eɪ/ H /eɪtʃ/ 8 /eɪt/
2. Không xác định được thông tin bẫy trong bài
Trong bài nghe sẽ có những bẫy khiến thí sinh mắc phải và mắc điểm đáng tiếc. Ví dụ người nói có thể chỉnh sửa đáp án ngay sau khi đánh vần để đánh lạc hướng người nghe. Từ đầu tiên được đánh vần có thể là thông tin bẫy để gây xao lãng, do đó nó sẽ không phải đáp án chính xác.
Cách khắc phục: Để tránh các bẫy này bạn cần nghe trọn vẹn bài nghe, tránh vội vàng ghi đáp án khi vừa nghe được và bỏ qua các thông tin đúng phía sau.
Một vài cách diễn đạt thể hiện có thông tin xao nhãng mà bạn có thể lưu lại:
- Oh, sorry, I misspelled it (Xin lỗi, tôi đánh vần sai)
- Oh, hang on. It just changed yesterday, let me check that again. (Oh, đợi đã, nó mới được thay đổi hôm qua, để tôi kiểm tra lại thông tin)
- Oh, sorry, I get that wrong. (Xin lỗi, tôi nhớ nhầm)
- No, it’s actually … (Không phải, nó thật ra là …)
3. Cách đọc khác của chữ cái, số
Trong phần Listening sẽ có những cách diễn đạt khác của chữ cái và số, nếu không nắm được có thể thí sinh sẽ bị nghe nhầm hay bỏ sót những thông tin quan trọng. Một số ví dụ về cách đọc khác của số trong bài nghe:
Khi hai chữ cái L đứng liền nhau, thay vì đọc tên chữ cái ấy hai lần là “LL”, người nói thêm từ “double” phía trước “double L” . Nếu không biết điều này nhiều bạn chỉ điền một chữ L vào phiếu trả lời dẫn đến mất điểm ở câu hỏi đó.
Hay trong cách đọc giá tiền £4.64 sẽ được đọc là “four pounds sixty-four” hoặc “four sixty-four” mà không phải là “sixty point sixty-four”. Nếu không nắm được cách đọc giá tiền bạn có thể sẽ điền sai đáp án là 464 hay 4.64 pounds. Đây sẽ là những đáp án sai dù số mà bạn nghe được là chính xác.
Cách khắc phục: Để khắc phục những lỗi sai này thí sinh cần làm quen với quy tắc viết số và chữ cái sau:
- Double: dùng cho 2 chữ cái hoặc 2 số giống nhau liên tiếp nhau. Ví dụ: 55 – double five, HH – double H
- Triple: sử dụng cho 3 chữ cái hoặc 3 số giống nhau đứng liền kề. Ví dụ: 555 – triple five, DDD – triple D.
Với câu hỏi về giá tiền đề bài sẽ cho sẵn tên đơn vị và bạn chỉ cần phải điền giá tiền. Nếu bạn điền thêm tên đơn vị, bạn có thể sẽ vượt quá giới hạn từ quy định và bị mất điểm.
Với số tiền chẵn, sẽ đọc số trước và sau đó đến tên đơn vị. Cách đọc số tiền giống với cách đọc số đếm bình thường.
Với số tiền lẻ bạn có thể đọc theo công thức con số trước dấu chấm + tên đơn vị (dollar, euro, pound,..) + phần số sau dấu chấm hoặc chỉ cần đọc tên giá tiền.
4. Quên nhấn trọng âm
Trọng âm trong tiếng Anh là yếu tố quan trọng khi phát âm bất kỳ từ nào. Bên cạnh việc tạo ngữ điệu cho câu thì trọng âm còn giúp phân biệt những từ dễ nhầm lẫn. Những cặp số đếm rất hay nhầm lẫn nếu không nhấn đúng trọng âm:
14 /ˌfɔːrˈtiːn/ | 40 /ˈfɔːrti/ |
15 /ˌfɪfˈtiːn/ | 50 /ˈfɪfti/ |
16 /ˌsɪksˈtiːn/ | 60 /ˈsɪksti/ |
17 /ˌsevnˈtiːn/ | 70 /ˈsevnti/ |
18 /ˌeɪˈtiːn/ | 80 /ˈeɪti/ |
19 /ˌnaɪnˈtiːn/ | 90 /ˈnaɪnti/ |
Cách khắc phục: Để phân biệt được cách phát âm của các cặp số đếm này bạn cần dựa vào quy tắc nhấn trọng âm. Các số có đuôi -teen thì trọng âm sẽ rơi vào phần đuôi này. Còn với số có đuôi -ty thì trọng âm sẽ rơi vào âm tiết thứ nhất. Vì vậy hãy chú ý để nghe thật chính xác nhé.
Trên đây là cách làm Spelling trong IELTS Listening hiệu quả cũng như các lỗi sai mà bạn cần tránh mắc phải. Hy vọng với những thông tin này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chinh phục band điểm IELTS như ý muốn.